Kỹ sư Mạnh Tuấn từ V2P xin chia sẻ kinh nghiệm sử dụng cờ lê chuẩn thợ. Đây là cách cầm, sử dụng cờ lê hiệu quả và an toàn nhất trong công việc. Bỏ qua khái niệm về cờ lê, mỏ lết cũng như các loại cờ lê. Trong bài viết này tôi chỉ nhắc đến loại cờ lê đầu mở (mở 1 đầu hoặc 2 đầu) và mỏ lết.
Đã bao giờ bạn tự hỏi mình cầm cờ lê hoặc mỏ lết đúng cách chưa?
Tôi đã từng nhiều lần tự hỏi mình như thế khi những ngày đầu mới đi làm cơ khí cho nhà máy hóa chất. Tuấn đã hỏi rất nhiều thợ cơ khí, kỹ sư cơ khí câu hỏi trên. Một số thì nói cầm sao thuận tiện tay là được. Một số kỹ sư có giải thích cách cầm sao cho lợi về lực, gia tăng momen xoắn. Vẫn giữ câu hỏi trên Tuấn tìm hiểu rất nhiều trên mạng. Tuy nhiên toàn là những bài viết rất xàm xí, 99% là copy bài y hệt nhau. Đọc xong chẳng giải quyết được bất kỳ vấn đề gì. Tuấn đã phải tìm hiểu tại các trang ở nước ngoài.
Cách đây vài năm trong một dự án về lắp đặt máy, van hơi nóng, đường ống. Tuấn được hợp tác với các kỹ sư lâu năm về kết cấu và lắp máy của một công ty lớn tại Việt Nam. Tuấn đã hỏi câu hỏi trên với anh ấy. Như bắt đúng được long mạch anh kỹ sư già cho Tuấn mở mang đầu óc. Nhân đây Tuấn sẽ chia sẻ lại với mọi người.
Đầu tiên trước khi cầm và sử dụng cờ lê ta cần biết một điều khá quan trọng nữa. Điều đó là tại sao cờ lê (khóa) và mỏ lết là có một góc nghiêng nhất định. Vị trí cầm sẽ ảnh hưởng tới lực sử dụng. Nếu cầm đúng vị trí và đúng cách lực sử dụng để thao tác bu lông sẽ ít. Ngoài ra người thao tác sẽ nhàn hơn, làm hiệu quả và năng suất hơn.
Không phải nhà sản xuất thích sản xuất như vậy cho đẹp đâu nhé. Thông thường chúng ta sử dụng cờ lê hoặc mỏ lết để mở các bu lông có cạnh lục giác (6 cạnh). Để mở được bu lông 6 cạnh bạn phải xoay một góc tối thiểu 60° (1/6 hình tròn) để xoay được 1 cạnh của bu lông. Nhưng nếu cờ lê được làm sẵn một góc và bạn lật ngược cờ lê thì bạn chỉ phải xoay góc 30°. Mục đích là dùng nó cho những góc hẹp khó thao tác. Như vậy có lợi cho việc mở hay xiết bu lông.
Do cờ lê và mỏ lết được thiết kế có góc nghiêng để hỗ trợ thao tác trong không gian chật hẹp. Tuy nhiên ở các không gian có thể thao tác tự do thì việc cầm và sử dụng cơ lê hay mỏ lết đúng cách sẽ giúp chúng ta dễ dàng thực hiện công việc, tốn ít sức lực hơn. Kinh nghiệm dựa trên những gì được học hỏi từ các tiền bối.
Cách cầm đúng và chuẩn là khi chúng ta xoay bu lông về phía bản thân thì đặt cờ lê – mỏ lết như hình dưới. Ngược lại nếu xoay bu lông ra phía ngoài bản thân thì chúng ta lật ngược cờ lê – mỏ lết lại để đẩy ra. Nếu là như vậy thì cạnh của bu lông ít bị trượt dạng chờn đầu. Ngoài ra lực momen xoắn khi dùng tay kéo hoặc đẩy cũng khác nhau. Vị trí cầm cũng ảnh hưởng tới lực khác nhau dẫn đến momen xoắn khác nhau.
Momen xoắn sẽ bằng lực x chiều dài cánh tay đòn. Do vậy vị trí cầm tốt nhất là từ 2/3 chiều dài của cờ lê, mỏ lết trở ra. Lúc đó có lợi về lực tác dụng nhất.
Bài viết được biên tập bởi kỹ sư Mạnh Tuấn – V2P dựa trên những tài liệu nước ngoài và kinh nghiệm truyền tai. Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm với tất cả các nội dung được nêu tại bài viết. Nếu có bất kỳ sai sót hoặc điều gì không đúng, bạn có thể góp ý tới cho chúng tôi: sales@vanphongphu.com. Vui lòng tôn trọng bản quyền tác giả bằng cách dẫn link gốc khi bạn sao chép từ đây. Cảm ơn.